Kinh tế dược liệu – Hướng mở cho vùng khó khăn Tu Mơ Rông

Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đang nỗ lực để kinh tế dược liệu mang lại thu nhập tốt, nâng cao đời sống của người Xơ Đăng vốn chiếm trên 95% dân số của huyện.

Xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, đến hết năm 2022 tỉnh Kon Tum đã phát triển được tổng diện tích gần 6.600ha, trong đó riêng cây sâm Ngọc Linh hiện có trên 1.740ha. Cùng với huy động nguồn lực đầu tư, phát triển mở rộng diện tích, trong năm tỉnh Kon Tum cũng đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại bước đầu hình thành các phiên chợ dược liệu ngay tại vùng trồng, tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

Đến bây giờ, nhiều người dân huyện nghèo Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum vẫn nhớ về không khí của “Phiên chợ sâm ngọc linh” đầu tiên được huyện tổ chức, gắn với quảng bá du lịch và các sản phẩm đặc hữu. Chỉ trong 3 ngày phiên chợ đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng chủ yếu từ việc bán dược liệu tươi và một số sản phẩm chế biến từ dược liệu. Cùng với đó, phiên chợ đánh dấu thị trường dược liệu ở vùng sâu này đã thành hình, giúp người dân cả nước biết được về tiềm năng to lớn của vùng dược liệu quý giữa rừng nguyên sinh.


Khách hàng mua sâm ở Phiên chợ sâm Ngọc Linh tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông.

Chị Triều Hoa ở TP.HCM dự phiên chợ sau khi trực tiếp tham quan vùng trồng sâm Ngọc Linh cho biết, sau khi thăm quan vườn sâm trong rừng nguyên sinh, cách thành phố không xa vẫn giữ được nguyên vẹn tất cả các loại cây sẽ là môi trường sinh trưởng rất tốt cho giống sâm Việt Nam.

Cùng với tổ chức thành công phiên chợ sâm đầu tiên, năm 2022, Tu Mơ Rông đã tích cực tham gia nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu của địa phương cả trong và ngoài tỉnh như Chợ phiên Dược liệu – Gia súc biên giới huyện Đăk Glei; Phiên chợ sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông tại TP Đà Nẵng…Dự kiến, trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu cũng được huyện Tu Mơ Rông tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau.


Sâm củ Ngọc Linh tươi được bán với giá rất cao tại phiên chợ.

Chị Đỗ Thị Tô Hoài, HTX thảo dược cộng đồng Ngọc Yêu với thế mạnh là các sản phẩm tinh dầu, hiện đã trồng trên 30ha thảo quả, sâm dây, sơn tra…tại xã Ngọc Yêu vui mừng cho biết, bà con địa phương rất hào hứng đến với những hội chợ như thế này. “Hội chợ vừa là dịp để bà con được mở mang tầm nhìn cũng là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm, do đó cơ quan chức năng nên tổ chức nhiều hơn những buổi hội chợ như thế này”, chị Hoài nói.

Cùng với nỗ lực trong công tác thị trường và xúc tiến thương mại, năm 2022 huyện Tu Mơ Rông cũng đạt kết quả đột phá trong phát triển vùng dược liệu. Cùng với gần 500ha sâm Ngọc Linh, người dân và DN còn trồng được 400ha sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra… Chủ trương của huyện về phát triển kinh tế dược liệu được đông đảo người dân địa phương hưởng ứng.


Sâm dây người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông trồng trên núi Ngọc Linh được khách hàng ưa chuộng.

Anh A Đáo, làng Tam Rin, xã Ngọc Yêu cho biết, gia đình anh trước đây đã trồng được thảo quả, tiêu rừng và đang có kế hoạch thực hiện trồng sâm Ngọc Linh. “Năm nay gia đình bắt đầu trồng 1 sào sâm Ngọc Linh. Với cây thảo quả 3 năm mới có hoa, còn cây tiêu rừng trước đây vẫn là cây lấy từ tự nhiên nhưng nay sẽ chuyển sang ươm giống để trồng nhanh có hiệu quả hơn”, anh Đáo chia sẻ.

Để đạt kết quả này, chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực lồng nghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế. Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, từ cây dược liệu, năm 2022 nhiều người dân huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 8,74%, cao hơn gấp đôi mục tiêu đề ra của tỉnh Kon Tum. Huyện đang nỗ lực để kinh tế dược liệu mang lại thu nhập tốt, nâng cao đời sống của người Xơ Đăng vốn chiếm trên 95% dân số của huyện.


Gian hàng dược liệu của xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông.

“Huyện đang đẩy mạnh mô hình liên kết giữa DN, HTX với người dân để phát triển diện tích dược liệu, đồng thời mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh để người dân trực tiếp được hưởng lợi từ cây dược liệu quý. Huyện tăng cường quản lý tốt hơn nguồn giống để đảm bảo cây sâm Ngọc Linh giữ được thương hiệu, từ đó phát triển ra thị trường nhằm nâng cao đời sống của người dân trong thời gian tới”, ông Mạnh cho hay.

Xác định phát triển kinh tế – xã hội dựa trên hệ sinh thái “Rừng – Sâm Ngọc Linh – Dược liệu – Du lịch”, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã đạt những thành quả đột phá bước đầu. Từ những thành quả đã gây dựng, Tu Mơ Rông tự tin bước vào năm mới 2023./.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên